Vài năm trở lại đây, khi mà các phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh mẽ, khái niệm Podcast dần trở nên quen thuộc hơn với người trẻ Việt. Vậy bạn có biết Podcast là gì? Mang đến lợi ích gì? Nghe podcast ở đâu?… Tất cả đều được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
1. Podcast là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì Podcast là một tệp âm thanh. Bạn có thể nghe trực tuyến trên internet hoặc tải về các thiết bị (Smartphone, PC, Laptop, Tablet…). Podcast khác với Radio ở chỗ người nghe có thể chủ động chọn nội dung, chương trình, có thể nghe bất cứ lúc nào mình muốn mà không cần rà kênh, chọn tần số hay chờ đợi đến khung giờ phát sóng.

Người làm Podcast có thể tùy chọn định dạng, chủ đề, thời lượng… một chương trình Podcast có thể dài 5 phút, 10 phút, 30 phút, hoặc vài giờ… nội dung Podcast vô cùng phong phú, nó mở rộng ra vô vàn các chủ đề đời sống.
Podcast có thể trở thành sân chơi của các cá nhân/ tập thể, hay chính bạn cũng có thể trở thành một nhà sáng tạo nội dung (content creator) nếu muốn. Podcast tiếp cận với thính giả ở khắp moi nơi, giống như video chia sẻ trên youtube hay hình ảnh trên Instagram.
Nói đến sự phát triển của podcast thì không thể không nhắc đến smartphone và internet tốc độ cao. Bởi đây là 2 yếu tố nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của podcast. Dựa vào 2 yếu tố này mà các startup muốn xây dựng nền tảng podcast cho người Việt đã nhận định: Việt Nam là thị trường nội dung âm thanh đầy tiềm năng để phát triển.
2. Lịch sử ra đời của Podcast
Tại sự kiện Blogger Con được tổ chức vào năm 2003, Podcast lần đầu xuất hiện dưới dạng một phần mềm có tên gọi là RSS-to-iPod. Phần mềm này phát hành nhằm mục đích cho phép những người dùng iPod tải các tệp âm thanh trên internet về để nghe.
Năm 2004, ông Ben Hammersley – một nhà báo người Anh đã đề xuất tên gọi “Podcasting”. một thời gian sau đó, Dannie Gregoire đã sử dụng thuật ngữ “podcaster” để chỉ những người làm ra Podcast. Từ đó đến nay, thuật ngữ Podcast dần trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

Một vài người vẫn lầm tưởng rằng Podcast có liên quan tới Apple. Thực tế 2 khái niệm này chẳng có bất kỳ mối liên hệ mật thiết nào cả. Podcast là từ ghép giữa “iPod” và “Broadcast” (nghĩa là: phát sóng), nó còn được biết đến với tên gọi “Netcast”. Thuật ngữ Podcast được sử dụng trước khi Apple bổ sung thêm tính năng podcast cho iPod hay phần mềm iTunes của hãng.
Tại Việt Nam, podcast đã xuất hiện từ nhiều năm về trước, nhưng mãi đến năm 2020 thì thị trường mới thực sự sôi động với khoảng 50 kênh được phát hành mỗi tháng. Năm 2021 con số tăng lên gấp 5 lần, với 100 – 250 kênh được mở mới trong tháng.
Theo nhận định của giới chuyên gia, podcast tại thị trường Việt vẫn còn đang trên đà phát triển. Bởi chúng ta hội tụ đầy đủ các yếu tố nền tảng để podcast có thể tiến nhanh và xa hơn, như: internet tốc độ cao, smartphone ngày càng phổ biến, lượng thính giả vô cùng lớn khi có hơn 50 triệu người Việt tiêu thụ nội dung số trên các mạng xã hội, trung bình khoảng 2 tiếng rưỡi/ ngày.
3. Podcast hoạt động như thế nào?
Quy trình hoạt động của Podcast tương đối đơn giản. Đầu tiên người tạo ra nội dung Podcast sẽ lưu tệp dưới dạng file âm thanh (thường là định dạng MP3) sau đó lưu trữ chúng trên Podcast hosting.
Podcast hosting là nơi lưu trữ của rất nhiều file Podcast, nó là nguồn cung cấp dữ liệu dồi dào cho các kênh phân phối Podcast – RSS (Really Simple Syndication – Dịch vụ cung cấp thông tin đơn giản). Khi một file âm thanh được xuất bản trên kênh phân phối, ứng dụng nguồn đọc sẽ thông báo cho người nghe. Người nghe có thể nghe online trên ứng dụng hoặc tải xuống nghe offline.

Các ứng dụng nghe podcast hiện nay được tích hợp gần như đầy đủ các tính năng, như: Theo dõi, thích, nhận xét, tính năng tự tải về khi có phần mới, tự xóa sau khi người dùng nghe xong… vô cùng thuận tiện.
4. Những lợi ích mà Podcast mạng lại
Không phải ngẫu nhiên mà Podcast lại ra đời và dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nó phải tích hợp nhiều ưu điểm, có khả năng thay thế cái cũ và mang đến cho người dùng những lợi ích thiết thực, như:
Cung cấp nguồn thông tin khổng lồ
Podcast đang dần trở thành xu thế tiếp cận thông tin trong cuộc sống hiện đại của người Việt. Nội dung trên Podcast ngày càng được mở rộng, nó không chỉ giới hạn trong một ngành nghề, lĩnh vực nhất định, mà bao trọn các lĩnh vực trong đời sống, từ tin thức thời sự, âm nhạc, du lịch, marketing, nghệ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục… cho đến những chia sẻ về tình yêu, hôn nhân, thiên nhiên, cuộc sống…
Tạo môi trường cho sự sáng tạo phát triển
Muốn tạo ra một chương trình Radio chúng ta cần có 1 ekip sản xuất và 1 kênh để phát sóng, nhưng Podcast thì không. Bạn có thể tự mình sản xuất nội dung độc lập giống như nội dung trên Youtube, Tiktok… miễn là nó đủ hay để thu hút người nghe.
Với Podcast ai cũng có thể sáng tạo và chia sẻ. Đây cũng là môi trường lý tưởng để các bạn trẻ rèn luyện kỹ năng lên ý tưởng, xây dựng nội dung kịch bản, kỹ năng xử lý âm thanh, cắt ghép, chỉnh sửa, kỹ năng truyền đạt…
Giúp cải thiện và nâng cao kỹ năng tiếng Anh
Trước khi cập bến thị trường Việt thì podcast đã phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài với rất nhiều kênh nội dung hay như: Ted Talk, BBC News… Podcast tạo môi trường lý tưởng cho người Việt tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn, với đa dạng chủ đề, từ đó học hỏi, trau dồi, nâng cao vốn từ vựng và biết được cách phát âm của người bản xứ.

Khơi dậy nhiều ý tưởng thú vị
Podcast còn khá mới lạ với nhiều người Việt, nhưng nó lại là phương tiện thông tin với kho nội dung phong phú của người Mỹ và các nước châu Âu. Do đó, nếu bạn đang muốn phát triển một kênh Podcast với thương hiệu cá nhân mà chưa biết tìm ý tưởng xây dựng kênh ở đâu thì các kênh nước ngoài chính là nguồn khơi ý tưởng tốt nhất.
Chia sẻ và gắn kết
Trong thời đại công nghệ 4.0, không thiếu phương tiện để chúng ta chia sẻ và gắn kết với nhau, Podcast là một trong số đó. Bạn có thể chia sẻ với mọi người nội dung mình sáng tạo hoặc những nội dung bạn cảm thấy hay ho; có thể bình luận bày tỏ tâm tư/ đóng góp ý kiến…
Podcast tạo ra một không gian mở, ở một đất nước xa xôi nào đó, miễn là có sự hiện diện của Podcast thì có khả năng họ vẫn nghe thấy những gì bạn chia sẻ và ngược lại.

5. Có thể nghe podcast ở đâu?
Người xây dựng nội dung Podcast không chia sẻ trực tiếp file âm thanh đến người nghe, mà họ update lên Podcast hosting, tạo nguồn phân phối cho các ứng dụng Podcast. Dưới đây là một vài ứng dụng Podcast nổi tiếng nhất hiện nay.
Google Podcast
Ứng dụng Podcast này do Google phát triển và phát hành vào ngày 18/6/2018 dành riêng cho các thiết bị Android. Năm 2019, Google tiếp tục công bố phiên bản web của Google Podcasts dành cho Android, iOS và Windows.
Ứng dụng tích hợp rất nhiều tính năng hữu ích, như: Cho phép người dùng sáng tạo nội dung theo ý thích, tải xuống miễn phí, gợi ý Podcast dựa trên xu hướng nghe của người dùng…
Apple Podcast
Ứng dụng do Apple Inc phát hành vào tháng 6/2005 cho iTunes 4.9. Năm 2012 hãng tiếp tục tung ra phiên bản cho các thiết bị di động, iPad, hiện bạn còn có thể nghe podcast trên MAC, Apple TV, Apple Watch…
Bên cạnh các kênh miễn phí, hiện Apple còn cho phép người dùng đăng ký các podcast trả phí. Ứng dụng có kênh để nhóm các chương trình của cùng 1 nhà sáng tạo nội dung lại với nhau và cho phép tìm kiếm theo danh mục.
Spotify Podcast
Spotify là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến. Bên cạnh dịch vụ âm nhạc, hiện hãng còn dành một mục riêng cho podcast, bên trong có chứa rất nhiều nội dung hay, bao trọn các lĩnh vực đời sống con người. Bạn có thể nghe podcast Spotify trên đa nền tảng, có công cụ để người nghe tìm kiếm các nội dung phù hợp với sở thích, nhu cầu.

Sound Cloud
Đây là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến phổ biến trên thế giới được phát hành vào năm 2008. Bên cạnh lưu trữ âm nhạc, Sound Cloud còn cho phép người dùng tìm kiếm các nội dung podcast phù hợp để nghe, đồng thời có thể sản xuất nội dung và chia sẻ lên nếu thích. Nếu để ở chế độ công khai thì bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm và nghe nội dung của bạn.
Youtube
Podcast Video Youtube khác với các ứng dụng trên ở chỗ nó không chỉ có âm thanh, mà còn có hình ảnh. Đăng Podcast lên Youtube có ưu điểm là: Tăng thứ hạng tìm kiếm (Youtube có công cụ tìm kiếm riêng, chỉ đứng sau Google Search), tăng khả năng tiếp cận người nghe, có thể tương tác qua bình luận… Tuy nhiên nó cũng tồn tại một vài nhược điểm nhất định, tiêu biểu như phải đầu tư nhiều để có video trau chuốt.

6. Những Podcast tiếng Việt hay đáng theo dõi
Từ sau năm 2020, thị trường podcast Việt Nam có những khởi sắc nhất định, số kênh ngày một tăng và ngày càng thu hút nhiều người nghe. Nếu bạn còn đang loay hoay tìm kiếm một vài kênh podcast nội dung độc đáo thì dưới đây chính là gợi ý.
Hiếu TV – Tự do tài chính & Kinh nghiệm sống
Nếu bạn đang tìm kiếm những bài viết hay về tự do tài chính và nguồn cảm hứng để sống tích cực thì Hiếu TV là một trong những cái tên rất đáng để cân nhắc. Anh Nguyễn Ngọc Hiếu – chủ kênh từng tư vấn chiến lược cho nhiều công ty, tập đoàn lớn tại Úc.
Những Podcast của anh đều là những chắt lọc từ cuộc sống trải nghiệm và chia sẻ về quan điểm cá nhân, có những góc nhìn vô cùng mới mẻ, chúng ta hoàn toàn có thể chắt lọc và áp dụng.
- Hiếu TV trên Youtube: tại đây
- Hiếu TV trên trên Apple Podcasts: tại đây
- Hiếu TV trên trên Spotify: tại đây
Giang ơi Radio – Trải nghiệm và bài học
Nhắc đến Giang ơi, rất nhiều bạn trẻ liền nghĩ ngay đến một cô gái cá tính sở hữu hàng loạt kênh nổi tiếng, trong đó có Giang ơi Radio. Những Podcast mà Giang chia sẻ đều dựa trên trải nghiệm cá nhân, cách nhìn nhận mới mẻ, đánh giá sâu sắc và lối chia sẻ gần gũi chính là yếu tố thu hút thính giả.
Bỏ qua những lời đánh giá mỹ miều, các bạn đừng quên ghé Giang ơi Radio để tự mình trải nghiệm, biết đâu lại tìm thấy một Podcast đủ hấp dẫn để khơi dậy sự thích thú của bản thân.
- Giang ơi Radio trên Soundcloud: tại đây
- Giang ơi Radio trên trên Apple Podcasts: tại đây
- Giang ơi Radio trên trên Spotify: tại đây
The Present Writer – Bài học cuộc sống & phát triển bản thân
Bên cạnh Hiếu TV, chúng ta lại có thêm một kênh Podcast chất lượng về chủ nghĩa tối giản, đó là The Present Writer của Chi Nguyễn. Nội dung kênh chủ yếu là chia sẻ về cuộc sống bên Mỹ, sự tối giản trong lối sống và học tập.
Không chỉ có những chia sẻ hay ho, Chi Nguyễn còn có cách tiếp cận rất gần gũi, lối nói chuyện mộc mạc nhưng đủ mạnh để khơi gợi lên những năng lượng tích cực trong tâm trí người nghe.
- The Present Writer trên Youtube: tại đây
- The Present Writer trên trên Apple Podcasts: tại đây
- The Present Writer trên trên Spotify: tại đây

Radio Người Giữ Kỉ Niệm – Tổng hợp nội dung về cuộc sống
Đây là một Podcast mang đậm màu sắc hoài niệm, nhưng nó không buồn như một ly rượu đầy chứa đựng những mong muốn quên lãng, ngược lại, ở đây chúng ta tìm thấy nhiều hơn sự an yên, tìm thấy chính mình trong những giai điệu cảm xúc.
Những câu chuyện được chia sẻ không giới hạn về chủ đề, có thể về gia đình, tình bạn, tình yêu… cho đến những khoảng lặng đã đi qua trong cuộc đời.
- Radio Người Giữ Kỉ Niệm trên Youtube: tại đây
- Radio Người Giữ Kỉ Niệm trên trên Apple Podcasts: tại đây
- Radio Người Giữ Kỉ Niệm trên Spotify: tại đây
Chill Box 20s – Kiến thức về tâm lý
Chill Box 20s là người bạn cần mẫn chăm sóc cho vườn hoa tinh thần thêm xanh lá và ngát hương hoa. Ở đây có Podcast nhẹ nhàng với những chia sẻ sâu sắc về nội tâm, có liều thuốc chữa lành những thương tổn, có sự an yên để người nghe thêm nghị lực, bớt muộn phiền.
- Chill Box 20s trên Youtube: tại đây
- Chill Box 20s trên trên Apple Podcasts: tại đây
- Chill Box 20s Writer trên trên Spotify: tại đây
Minh Niệm – Vấn đề cuộc sống dưới góc nhìn người tu thiền
Đây là kênh Podcast của thầy Thích Minh Niệm. Hiện thầy đang dạy thiền Vipassana và trị liệu tâm lý. Dù theo Phật, nhưng những chia sẻ của thầy không đặt nặng vấn đề tôn giáo, chỉ tập trung diễn giải về các vấn đề cuộc sống dưới góc nhìn của một người tu thiền.
Thầy có chất giọng trầm ấm, gần gũi, những chia sẻ giản dị hướng người nghe về lối sống an nhiên, rũ bỏ muộn phiền. Có thể nói, Minh Niệm là một kênh Podcast rất thành công trong việc truyền đi những cảm hứng nhân văn, góp phần xây dựng nên một con người với nhân cách đẹp.

Podcast hoàn toàn có thể trở thành sân chơi để mỗi cá nhân có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo nội dung. Cùng với sự phát triển của internet và các thiết bị thông minh, thị trường podcast Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều hứa hẹn về những tiềm năng phát triển và trở thành xu hướng trong tương lai.
Bài viết đã phần nào giới thiệu cho bạn về “Podcast là gì? Nghe podcast ở đâu? Và các kênh podcast tiếng Việt nổi tiếng”. Nếu có bất kỳ câu hỏi hay góp ý nào cho FPT Telecom, vui lòng để lại comment bên dưới nhé!